Béo phì ở trẻ em và các biện pháp phòng tránh


Tham vấn y khoa bởi Bác Sĩ:

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn

Phó viện trưởng
Viện phẫu thuật tiêu hóa

Follow

Bệnh béo phì là một vấn rất quan trọng không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Béo phì càng trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất hiện ở trẻ em vì nó để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cả về thể chất, tinh thần và sự phát triển của trẻ. Tình trạng béo phì ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên. ở mỹ chiếm khoảng 17%. Ở việt nam, do có sự quan tâm chăm sóc thái quá của các bậc phụ huynh đã làm cho tình trạng BP ở trẻ em tăng rất nhanh trong những năm gần đây.  Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ 6 – 11 tuổi ở nội thành TPHCM hiện đã là 12%, Hà Nội là 8- 9%. Béo phì và các hậu quả ngày càng là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cùng tìm hiểu tình trạng béo phì ở trẻ em có thể do những nguyên nhân gì, hậu quả ra sao và cách điều trị thế nào cùng PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn qua bài viết dưới đây!

 

1.Thế nào là thừa cân, béo phì? 

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO

– Thừa cân là tình trạng trọng lượng cơ thể vượt quá trọng lượng nên có so với chiều cao. 

Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy mỡ thái quá không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể. Năm 2013, Hiệp hội y khoa hoa kỳ đã chính thức công nhận béo phì là một bệnh.

 

2.Làm thế nào để xác định trẻ thừa cân béo phì?

Chúng ta vẫn sử dụng chỉ số BMI. Tuy nhiên, khác với công thức tính chỉ số BMI của người lớn, chỉ số BMI của trẻ em còn dựa trên giới tính và tuổi tác vì cơ thể con vẫn đang thay đổi và lớn lên.

Bước 1: Công thức tính chỉ số BMI = Cân nặng (kg) / ( Chiều cao (m)* Chiều cao(m))

Bước 2: Đánh giá tình trạng sinh dưỡng của trẻ em dựa vào biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi cho trẻ em

  • Biểu đồ tăng trưởng tỷ lệ phần trăm BMI theo tuổi ( từ 2 tuổi tới 20 tuổi) được biểu diễn như sau

Giống như một biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn, con bạn sẽ được xếp hạng so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nếu chỉ số BMI của con bạn ở phân vị thứ 85 – nghĩa là cao hơn 85% của những đứa trẻ cùng tuổi và giới tính thì bé sẽ được coi là thừa cân. Nếu ở phân vị thứ 95 sẽ được coi là trẻ béo phì.

Tích mỡ sớm là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Chỉ số BMI tăng nhanh trong năm đầu, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất từ 4 – 8 tuổi (trung bình 6 tuổi) và sau đó tăng dần cho đến tuổi trưởng thành. Sự tăng trở lại của BMI trong giai đoạn trẻ nhỏ được gọi là tích mỡ sớm.Tích mỡ sớm trước 5,5 tuổi là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Do đó, các giá trị của BMI trước và trong giai đoạn tích mỡ phải được xác định để đánh giá chính xác tiến triển của nguy cơ.

 

3.Béo phì ở trẻ em có những loại nào?

3.1. Phân loại theo nguyên nhân sinh bệnh

Béo phì đơn thuần: Loại béo phì không có nguyên nhân sinh bệnh rõ ràng chiếm tỷ lệ hơn 90%.

Béo phì bệnh lý: Do các bệnh lý nội tiết hay khiếm khuyết di truyền 10%

3.2. Phân loại theo tuổi bắt đầu béo phì

Béo phì xuất hiện sớm: Xuất hiện trước khi trẻ 5 tuổi.

Béo phì xuất hiện muộn: Béo phì xuất hiện muộn sau 5 tuổi.

Các giai đoạn dễ xuất hiện béo phì là thời kỳ nhũ nhi, 5- 7 tuổi, vị thành niên. Béo phì xuất hiện trong giai đoạn này tăng nguy cơ béo phì trường diễn và các biến chứng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các rối loạn tâm bệnh hơn các béo phì khởi phát muộn.

béo phì ở trẻ em 1

Tuổi vị thành niên dễ mắc thừa cân, béo phì

3.3. Phân loại theo phân vùng của mô mỡ và vị trí giải phẫu

Béo bụng (béo trung tâm, béo phần trên, béo hình quả táo, béo kiểu đàn ông): Mỡ tập trung ở bụng.

Béo đùi (béo ngoại vi, béo phần thấp, béo hình quả lê, béo kiểu đàn bà): Mỡ tập trung chủ yếu ở mông và đùi.

Béo bụng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đái đường tăng insulin máu, rối loạn lipid máu, không dung nạp glucose hơn béo đùi.

 

4.Béo phì ở trẻ em thường do những loại bệnh lý nào?

4.1. Béo phì do nội tiết

Béo phì do suy giáp trạng: Nguyên nhân ít gặp (1/350). Béo phì xuất hiện muộn, béo vừa, chậm lớn, da khô táo bón, chậm phát triển tinh thần.

Béo phì do cường vỏ thượng thận (HC Cushing): Do nguyên nhân ở tuyến yên hay vỏ thượng thận, hay gặp nhất là hội chứng Cushing do thuốc. Béo ở mặt và thân, mặt đỏ, rạn da màu đỏ tía, lông sinh dục mọc sớm, chậm lớn.

Béo phì do thiếu hormon tăng trưởng GH: Béo phì khu trú ở vùng ngực, ở thân chiều cao giảm rõ. Có thể phối hợp với thiếu hormon thùy trước tuyến yên như ACTH, TSH, FSH, LH.

Béo phì do các tổn thương vùng hạ đồi – tuyến yên: Các tổn thương này gây thèm ăn, thường gặp ở trẻ trai.

4.2. Béo phì do hội chứng đa dị dạng

Hội chứng Willi – Prader – Labhart: Là nguyên nhân hay gặp. Béo phì toàn thân do ăn nhiều xuất hiện sớm từ 3- 4 tuổi, dị dạng ở mặt (trán hẹp, mũi khoằm), đầu chi nhỏ, giảm trương lực cơ, lùn, chậm phát triển tinh thần, có thể có đái đường, thiểu năng sinh dục. Thường do khuyết đoạn nhiễm sắc thể số 15 (50%).

Hội chứng Laurence – Moon – Biedi: Béo phì sớm thường kết hợp với chậm phát triển tinh thần, đa ngón, viêm võng mạc sắc tố xuất hiện muộn hơn 10- 12 tuổi. Thiểu năng sinh dục do giảm hormon hướng sinh dục. Bệnh di truyền lặn, nhiễm sắc thể thường.

Hội chứng Astrom: Béo phì với đái đường, điếc, viêm võng mạc, thiểu năng sinh dục. Bệnh di truyền lặn nhiễm sắc thể thường.

Hội chứng Biemon: Béo phì với khuyết tật móng tay, đa ngón, thiểu năng sinh dục. Di truyền lặn nhiễm sắc thể thường.

Hội chứng Borjson: Béo phì, lùn, bộ mặt thô, thiểu năng sinh dục.

4.3. Các yếu tố nguy cơ của béo phì ngoại sinh

Yếu tố gia đình và di truyền: Nhiều trường hợp béo phì có tiền sử gia đình. Trẻ em có cha mẹ béo phì có thể mắc béo phì bất cứ tuổi nào: Tới 17 tuổi, tỉ lệ này gấp 3 lần trong gia đình cha mẹ không béo.Trong số trẻ béo phì có khoảng 80% trẻ có một cha hay mẹ béo phì, 30% có cả cha và mẹ béo phì.

Giảm hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực là nguồn gốc gây béo phì và chính do béo phì làm cho trẻ có lối sống tĩnh tại.

Ngủ ít: Các nghiên cứu nhận thấy trẻ ngủ ít dưới 8 giờ/ngày đêm sẽ có nguy cơ béo phì khi trên 15 tuổi. Ngủ ít nhưng đi nằm sớm, xem TV nhiều giờ, giảm hoạt động thể lực… Giấc ngủ của trẻ béo phì có thể bị rối loạn do sự biến động của các yếu tố hormon như serotonine.

Sữa mẹ là yếu tố bảo vệ phòng ngừa béo phì: Các nghiên cứu đều cho thấy sữa mẹ còn có tác dụng phòng ngừa béo phì ở trẻ: Thời gian bú sữa mẹ càng ít, nguy cơ béo phì của trẻ nhỏ càng cao.

Yếu tố tâm lý và tình cảm: Các yếu tố tâm lý và tình cảm là các yếu tố nguy cơ béo phì trẻ em. Sự thiếu chăm sóc và giáo dục của cha mẹ trong giai đoạn ấu thơ là yếu tố đưa đến nguy cơ béo phì.

Dậy thì sớm và béo phì: Nghiên cứu cho thấy 30% trẻ gái thừa cân và 15% trẻ gái béo phì có kinh nguyệt xuất hiện sớm trước 11 tuổi.

 

5.Một số thói quen xấu có thể gây béo phì ở trẻ em

  • Ăn vặt không kiểm soát

Hạn chế hoặc loại bỏ bánh quy và khoai tây chiên trong nhà. Chọn các món ăn vặt lành mạnh như trái cây và rau tươi, bánh pudding ít béo, sữa chua và pho mát. Đảm bảo con bạn không ăn vặt cả ngày, ngay cả khi ăn những món lành mạnh.

  • Vừa ăn vừa xem tivi

Khi mất tập trung, trẻ có thể không nhận ra mình đã no. Giúp con học cách lắng nghe các tín hiệu của cơ thể để cho trẻ biết khi nào đã ăn uống đủ no.

béo phì ở trẻ em 2

Xem tivi khi ăn khiến trẻ có thể không nhận ra mình đã no

  • Tiêu thụ quá nhiều nước ngọt hoặc nước trái cây

Hãy để dành soda và đồ uống ngọt khác cho những dịp đặc biệt. Nước ép trái cây được coi là một khẩu phần trái cây, nhưng uống quá nhiều có thể khiến con bạn no, không đói vào bữa chính để ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, cần thiết.

  • Thưởng thức đồ ăn trong máy bán hàng tự động / siêu thị tiện lợi

Hầu hết thực phẩm bày bán sẵn không quá bổ dưỡng. Nếu trẻ chuẩn bị ra ngoài, hãy mang theo những món tốt cho sức khỏe.

  • Dành quá nhiều thời gian trước TV hoặc máy tính

Trẻ em có thể bị hút vào việc ngồi yên trong nhiều giờ. Ngoài ra, các quảng cáo trên TV khuyến khích tiêu thụ các loại thực phẩm giàu calo và nghèo chất dinh dưỡng. Để khuyến khích hoạt động thể chất, hãy để TV ở ngoài phòng ngủ của trẻ.

  • Ăn quá nhiều trong bữa

Thay vì cằn nhằn hoặc chế giễu về cân nặng của con, khiến trẻ bực bội và nổi loạn, hãy cho con cơ hội lựa chọn những thực phẩm lành mạnh và vận động thể chất, đồng thời khen ngợi con khi con làm tốt.

Bố mẹ cũng đừng quên làm gương tốt cho con bằng cách ăn uống điều độ. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, việc cha mẹ làm gương ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học là rất quan trọng. Bởi vì trẻ em sẽ học những gì chúng nhìn thấy. Nếu cả gia đình đều ăn uống lành mạnh trong cả bữa chính và phụ, đồng thời thích vận động nhiều thì trẻ mẫu giáo sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều.

Bạn cũng đừng bắt con phải cân thường xuyên ở nhà, điều này có thể trở thành nguồn gốc gây lo lắng. Tuy nhiên, nếu chỉ số BMI của con trên phân vị thứ 95, bác sĩ có thể yêu cầu gặp trẻ mỗi tháng một lần để theo dõi sự tiến triển. Chỉ cần coi những lần thăm khám này giống như các chuyến đi khám bác sĩ khác, đừng đặt nặng vấn đề số cân. Hãy tập trung vào việc phát triển những thói quen lành mạnh hơn là vào cân nặng của con.

Các bác sĩ thường không khuyến nghị các chế độ ăn kiêng hoặc các chương trình giảm cân cho trẻ em

 

6.Các hậu quả nguy hiểm do béo phì ở trẻ em

Rối loạn tâm sinh lý và hòa nhập xã hội: Có mối tương quan giữa mức độ béo phì và các dấu hiệu lo lắng, trầm uất, rối loạn thái độ hành vi, không bằng lòng về bản thân và điểm số học lực cũng sút giảm, có mối liên hệ giữa lo sợ thừa cân và trầm cảm, đặc biệt ở trẻ gái.

Dậy thì sớm: Có mối liên hệ giữa béo phì và dậy thì sớm.

Các hậu quả về rối loạn vẻ đẹp hình thể: Ở trẻ trai có tình trạng giả vú lớn. Ở trẻ gái có kinh sớm, rậm lông, trứng cá. Cả 2 giới: Biến dạng hình thể, bụng bự, rạn da màu trắng hay màu tím.

Rối loạn chuyển hóa

Rối loạn đường máu: Có sự tương quan chặt chẽ giữa mức độ tăng insuline, tăng proinsuline với % khối mỡ ở trẻ béo phì tiền dậy thì và dậy thì. Điều này có thể gây rậm lông ở trẻ gái. Tần suất mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ở trẻ vị thành niên thừa cân, béo phì và giảm hoạt động thể lực tăng hơn.

Rối loạn lipid máu: Có tương quan giữa béo phì và tăng cholesterol máu.

Biến chứng tim mạch, tăng huyết áp: Tất cả các nghiên cứu đều kết luận: Ở trẻ béo phì huyết áp động mạch tăng cao, huyết áp trung bình cnunxg cao hơn hẳn với trẻ không béo phì.

Biến chứng hô hấp: Tần suất mắc bệnh béo phì cao ở trẻ mắc bệnh hen.

Ngừng thở khi ngủ và rối loạn hô hấp ban đêm: Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 27% trẻ béo có ngừng thở khi ngủ mức độ nặng và vừa.

Ngoài ra còn có các biến chứng tiêu hóa (gan nhiễm mỡ), biến chứng thần kinh (Hội chứng tăng áp lực sọ não lành tính), biến chứng về chỉnh hình (cong vẹo cột sống, cong chân) cũng tăng ở trẻ béo phì.

Béo phì trẻ em có thể dẫn đến hậu quả lâu dài béo phì ở người lớn: khả năng có từ 20- 50% trẻ béo phì trước dậy thì cho đến 50 – 75% béo phì sau dậy thì.

Nguy cơ mắc nhiều bệnh lý tim mạch và hội chứng chuyển hóa khi trưởng thành: Các nguy cơ tim mạch ở trẻ béo phì như cao huyết áp, rối loạn lipide máu, hội chứng chuyển hóa tồn tại cho đến trưởng thành.

 

7.Hiệu quả của các phương pháp điều trị béo phì ở trẻ em

Các nghiên cứu tiến hành dựa trên phương thức điều trị bao gồm: Chế độ ăn. Luyện tập hoạt động thể lực. Điều trị tâm lý. Phối hợp với các can thiệp khác.

7.1. Hiệu quả của chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực

Chế độ ăn hạn chế đường, hạn chế lipide, Khuyến khích ăn ngũ cốc, rau, hoa quả. Hạn chế số bữa ăn: 4 lần/ngày kể cả bữa ăn phụ. Hoạt động thể lực 40- 55 phút/lần cho chạy bộ hay tập aerobic 2- 5 lần/tuần trong 4 – 8 tháng giảm được % khối mỡ.

béo phì ở trẻ em 3

Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc giảm béo phì

7.2. Tâm lý trị liệu và các điều trị hỗ trợ

Kết hợp tâm lý trị liệu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trong thời gian dài 24 tháng có kết quả giảm cân rõ rệt ở trẻ nhỏ <12 tuổi.

Ở trẻ lớn, giáo dục tâm lý và chế độ ăn ít calorie và luyện tập nhẹ cho kết quả tốt.

7.3. Sử dụng thuốc và điều trị ngoại khoa

Có một số nghiên cứu nhưng chưa đủ kết luận hiệu quả điều trị của thuốc và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) trong điều trị béo phì trẻ em. Việc can thiệp phẫu thuật chỉ nên thực hiện khi trẻ đã phát triển đầy đủ về thể chất, đặc biệt là chiều cao. Nhiều hướng dẫn khuyến cáo nên thực hiện khi trẻ đủ 18 tuổi, nhưng một số nc gân đây đã áp dụng các phương pháp phẫu thuật cho trẻ béo phì tử 16 tuổi. Hiện nay áp dụng PP nstndd bắt đầu từ 18 tuổi.

Nguồn: PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn

Kiểm Duyệt Nội Dung

Ban Biên Tập | Website

Hơn 10 năm kinh nghiệm truyền thông marketing trong lĩnh vực y tế, sức khỏe.

Triển khai thành công các hoạt động truyền thông marketing, phát triển nội dung và xây kênh mạng xã hội cho các đối tác bệnh viện, phòng khám, bác sĩ và chuyên gia y tế khắp cả nước.

Hơn 6 năm kinh nghiệm tổ chức sản xuất các chương trình y tế uy tín hàng đầu Việt Nam, phối hợp cùng Đài Truyền hình Tp.HCM (HTV). Các chương trình tiêu biểu bao gồm Nhật Ký Blouse Trắng, Bác Sĩ Nói Gì, Alo Bác Sĩ Nghe, Nhật Ký Hạnh Phúc, Vui Khỏe Cùng Con, Bác Sỹ Mẹ, v.v.

Hợp tác toàn diện với hàng trăm bệnh viện và phòng khám, hàng nghìn bác sĩ và chuyên gia y tế nhằm chung tay xây dựng nền tảng nội dung và dịch vụ y tế trên ứng dụng Doctor Network.

Share this post

Danh mục
Bài viết xem nhiều
Bài Viết Gần Đây

Tin tức liên quan