Béo phì luôn là một vấn đề nan giải đối với Y học, căn bệnh mãn tính này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tâm lý của người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của con người. Rất nhiều các bệnh lý tim mạch nguy hiểm do béo phì tạo ra. Cùng tìm hiểu về vấn đề này với PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn thông qua bài viết dưới đây nhé!
1.Béo phì có liên quan như thế nào với bệnh lý tim mạch?
Mắc bệnh béo phì không chỉ khiến người bệnh mất thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Trong đó bệnh béo phì và tim mạch có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Rất nhiều bệnh lý tim mạch do béo phì gây ra.
Béo phì là bệnh lý nguy hiểm và phổ biến hiện nay
2.Béo phì có thể tác động gây ra bênh lý tim mạch bằng những con đường nào?
Có 2 con đường mà béo phì có thể tác động tới hệ thống tim mạch:
- Tác động trực tiếp: sự gia tăng quá mức các chất béo trong cơ thể làm mở rộng tâm nhĩ, tâm thất và xơ vữa động mạch, chúng góp phần trực tiếp gây ra bệnh tim mạch.
- Tác động gián tiếp: việc tăng mỡ cơ thể có thể tác động tới hệ thống tim mạch một cách gián tiếp thông qua sự thúc đẩy chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh huyết khối, khởi phát hoặc làm xấu đi các bệnh về chuyển hóa là các yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh tim mạch, bao gồm rối loạn lipid máu, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và hội chứng chuyển hóa.
3.Béo phì có thể gây nên vữa xơ động mạch bằng cách nào?
Béo phì thúc đẩy nguy cơ viêm hệ thống, và ngược lại tình trạng viêm có thể thúc đẩy quá trình tạo mỡ cho cơ thể.
Tình trạng viêm hệ thống mãn tính, cùng với sự tích tụ của mô mỡ hạ vị làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, trong đó các lipoprotein xấu LDL-C, thúc đẩy và hình thành nên các mảng bám trong lòng động mạch, làm hẹp lòng mạch. Khi các mảng bám trên thành mạch bị vỡ ra sẽ dẫn tới hình thành nên các cục huyết khối đưa tới các cơn đau tim, đột quỵ não, tắc động mạch mạc treo, tắc động mạch chi dưới,..
4.Trong các bệnh lý tim mạch thì bệnh mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Vì sao béo phì có thể gây nên các bệnh động mạch vành?
Tình trạng viêm mãn tính và tích tụ mỡ ở vùng hạ vị có liên quan mật thiết với sự hiện diện, mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh động mạch vành.
Các tế bào mỡ biểu mô bình thường có chức năng tương tự như các tế bào mỡ từ mô mỡ màu nâu, giúp đốt cháy axit béo và nuôi dưỡng các mô lân cận. Chúng tiết ra adiponectin, giúp giảm thiểu tình trạng viêm và xơ hóa trong các động mạch vành và cơ tim.
Ngược lại, mỡ vùng hạ vị ở những người béo phì dễ bị phân giải, dẫn đến giải phóng axit béo và gây ra phản ứng viêm. Trong béo phì, sự tiết adiponectin từ mỡ vùng hạ vị bị giảm và các adipokine tiền viêm được giải phóng, thúc đẩy sự xâm nhập của các đại thực bào, làm phá hủy các hệ thống vi mạch và kích hoạt các con đường xơ hóa, trong đó động mạch vành thường là vị trí đầu tiên và hậu quả của nó thường nghiêm trọng nhất.
Béo phì khiến tim phải hoạt động nhiều hơn
Khi cơ thể bị béo phì sẽ khiến tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và căng thẳng hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn tới suy tim.
Thường tồn tại ở hai dạng:
- Đối với nam giới: mỡ thừa thường tập trung ở bụng
- Đối với nữ giới: mỡ thừa thường được tích lũy nhiều ở vùng mông và đùi.
Các chuyên gia tim mạch thường khuyến cáo rằng: nam giới nên để vòng eo dưới 90% vòng mông, và nữ giới nên duy trì ở mức dưới 80%. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng béo phì của mình để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
5. Làm thế nào để kiểm soát béo phì?
Nếu không may mắc phải tình trạng thừa cân thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do béo phì gây ra, bạn nên thực hiện theo những phương pháp sau đây:
- Giảm cân: Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong cuộc hành trình chống lại béo phì và các bệnh về tim mạch. Bạn sẽ cảm nhận được rõ những thay đổi của cơ thể khi giảm được ít nhất là 5kg. Huyết áp, mức đường huyết, cholesterol và các nhân tố gây viêm khác cũng bắt đầu giảm xuống. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ ăn kiêng hợp lý đã được bác sĩ hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt hoặc các loại thực phẩm từ cá, thịt, các loại đậu, quả óc chó, sữa ít béo,…Đặc biệt, người bệnh cũng nên hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có chứa lượng đường cao hoặc các món chiên rán, đã qua chế biến.
- Hạn chế uống bia, rượu: Rượu bia đều là những chất kích thích, không những gây hại tới sức khỏe tổng thể mà còn làm tăng nguy cơ bị béo phì và mắc các bệnh tim mạch. Vì vậy, nếu bạn là người có thói quen uống rượu, bia; tốt nhất bạn nên hạn chế chúng.
Hạn chế rượu bia sẽ giúp trái tim khỏe mạnh
- Thường xuyên tập thể dục: Bạn nên dành ra ít nhất khoảng 30-60 phút mỗi ngày để thực hiện những bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Những bài tập này bao gồm chạy bộ, bơi, đạp xe, aerobic …Chúng đặc biệt hiệu quả trong việc đốt cháy lượng mỡ thừa của cơ thể, tăng khối lượng cơ bắp, giúp bạn lấy lại một vóc dáng cân đối và bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh.
Bệnh béo phì không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh lý tim mạch, vì thế việc kiểm soát cân nặng cũng như thăm khám sớm các bệnh lý có liên quan là việc làm cần thiết. Bởi những biến chứng của bệnh lý này gây ra cho tim mạch không hề nhỏ.
Nguồn: PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn
Kiểm Duyệt Nội Dung
Hơn 10 năm kinh nghiệm truyền thông marketing trong lĩnh vực y tế, sức khỏe.
Triển khai thành công các hoạt động truyền thông marketing, phát triển nội dung và xây kênh mạng xã hội cho các đối tác bệnh viện, phòng khám, bác sĩ và chuyên gia y tế khắp cả nước.
Hơn 6 năm kinh nghiệm tổ chức sản xuất các chương trình y tế uy tín hàng đầu Việt Nam, phối hợp cùng Đài Truyền hình Tp.HCM (HTV). Các chương trình tiêu biểu bao gồm Nhật Ký Blouse Trắng, Bác Sĩ Nói Gì, Alo Bác Sĩ Nghe, Nhật Ký Hạnh Phúc, Vui Khỏe Cùng Con, Bác Sỹ Mẹ, v.v.
Hợp tác toàn diện với hàng trăm bệnh viện và phòng khám, hàng nghìn bác sĩ và chuyên gia y tế nhằm chung tay xây dựng nền tảng nội dung và dịch vụ y tế trên ứng dụng Doctor Network.